Cộng đồng Lý Sơn

Diễn Đàn Lý Sơn chính thức mang tên LYSON.ORG
CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA 3l0_1210

***Hãy giới thiệu đến bạn bè nhé các bạn ***

Gõ Tiếng Việt có dấu khi tham gia diễn đàn
Cộng đồng Lý Sơn

Diễn Đàn Lý Sơn chính thức mang tên LYSON.ORG
CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA 3l0_1210

***Hãy giới thiệu đến bạn bè nhé các bạn ***

Gõ Tiếng Việt có dấu khi tham gia diễn đàn

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

xuankhanh

xuankhanh
Level 6
Level 6

CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

Những hành động và luận điệu không thể chấp nhận của Trung Quốc
Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục bắt giữ và cố tình gây thiệt cho các ngư dân nước ta khi đang hoạt động đánh bắt hải sản ngay trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Về mặt luật pháp, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Gây ảnh hưởng xấu đến vấn đề ngoại giao của hai nước Việt – Trung. Dĩ nhiên, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của ngư dân Việt Nam.
Hơn nữa, từ ngày 16-23/11/2007 phía Trung Quốc ngang nhiên tập trận trên vùng biển thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Mà mới đây nhất là việc chính quyền Trung Hoa thông qua “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020”, trong đó xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc quản lý bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa, nêu kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở”. Trong những tháng gần đây Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Cụ thể là từ tháng 4, họ đã điều các tàu ngư chính thực hiện cái mà họ gọi là tuần tra ở khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và Trung Quốc còn đưa ra luật cấm đánh bắt hải sản có thời hạn trên Biển Đông từ ngày 16/5 – 1/8/2010, khai thông mạng di động trên đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Những việc làm này của Trung Quốc đều không thể chấp nhận và Chính phủ Việt Nam đã bác bỏ một cách dứt khoát trước sự ủng hộ của một số nước trong khu vực.
Ngược về lịch sử, từ năm 1956, nhất là sau trận Hải chiến Hoàng Sa (17-19/01/1974) đến nay, phía Trung Quốc liên tục dùng vũ lực và đưa ra những luận điệu một cách cắt xén, gán gép, thậm chí là xuyên tạc để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ đó, vấn đề biển Đông ngày càng căng thẳng, nóng bỏng. Và để “xoa dịu” dư luận, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chứng cứ để khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Chẳng hạn như việc Trung Quốc dựa vào cuốn Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát để khẳng định các đảo Nam Hải đã thuộc phạm vi quản hạt của Trung Quốc từ năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường (tức năm789). Tuy nhiên điều này lại “trật đường ray” với những dòng sử liệu trong sách Đường Thư, Thái Bình Hoàn Vũ Ký, Dư Địa Kỷ Thăng (1221), Quảng Đông Thông Chí (1842). Đúng là vào năm thứ 5 niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường tại đảo Hải Nam thấy có chuyện kể viên đô đốc nhà Đường là Lý Phục mang quân sang lấy lại đảo Hải Nam sau hơn 100 năm dân bản địa nổi dậy làm chủ đảo và xin vua Đường đặt phủ đô đốc ở quận Quỳnh Sơn, nhưng không hề có chuyện "sáp nhập bất kỳ đảo ở biển Nam Trung Hoa vào đảo Hải Nam".
Hay như Hàn Chấn Hoa (một học giả lớn của Trung Quốc) chỉ dựa vào một đoạn trong sách Vũ Kinh Tổng Yếu, và tổng hợp các nguồn sử liệu về các đảo ở biển Nam mà viết “cái được gọi là công trình nghiên cứu” Ngã quốc Nam hải chư đảo để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo.Tuy nhiêm Phạm Kim Hùng, một chuyên gia mấy chục năm nghiên cứu về Hoàng Sa- Trường Sa, nguyên chuyên viên Bộ Ngoại giao đã bóc trần những luận điểm sai trái, để mọi người biết rằng Hàn Chấn Hoa chỉ lợi dụng danh nghĩa khoa học để che đậy, xuyên tạc sự thật. Tiếc rằng cuốn sách chưa kịp in ông đã qua đời.
Có rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc từ đời Nguyên, Minh đến Thanh, trong đó có bản đồ ấn bản gần thời điểm có tranh chấp như bản đồ Đại Thanh Đế Quốc trong Đại Thanh Đế Quốc toàn đồ, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910 đã vẽ cực nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không vẽ bất cứ hải đảo nào khác ở biển Đông. Bản đồ Hoàng Triều Nhất Thống dư địa tổng đồ trong cuốn Hoàng Thanh Nhất Thống dư địa toàn đồ xuất bản năm Quang Tự 20 (1894) đã ghi rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông ở 18030’ Bắc, trong khi Tây Sa hay Hoàng Sa được Trung Quốc đặt tên, có đảo ở vị trí cao nhất là 1705’Bắc. Điều này chứng tỏ Tây Sa hay Hoàng Sa chưa hề là lãnh thổ của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã dựa vào công hàm ngày 14 tháng 9 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho đăng trên báo Nhân Dân ngày 22 tháng 9 năm 1958 đồng ý công khai tuyên bố của Chu Ân Lai, Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 4 tháng 9 năm 1958, với quốc tế về quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa Lục, có đính kèm bản đồ về đường ranh giới lãnh hải rất rõ ràng (trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Tuy nhiên những lời tuyên bố trên không có hiệu lực vì trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này. Vì nó chịu sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà.
Có điều này tôi không biết là các nhà nghiên cứu, các nhà sử học Trung Quốc nghĩ gì khi ngay chính tài liệu của mình như Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thú vị hơn khi được biết Thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả những năm cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XX, đều phản ánh một thực tế hết sức hiển nhiên là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam. Trong khi đó ta đã thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa từ đầu thế kỉ XVII !
Sử liệu đầy thuyết phục của Việt Nam…
Trong khi Trung Quốc thiếu những chứng cứ, hoặc chứng cứ mâu thuẫn, mơ hồ, chồng chéo lên nhau ngay chính sử liệu của mình. Thì Việt Nam lại có khá nhiều bằng chứng để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Đáng chú ý nhất là việc phát hiện sắc lệnh của triều Nguyễn được gìn giữ hơn 170 năm qua của gia đình ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Đây là sắc chỉ quý của vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thuỷ ra đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (Ất Mùi – 1835)
Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toản Tập An Nam Lộ, năm 1686 có bản đồ là tài liệu xưa nhất, ghi rõ hàng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng. Còn tài liệu trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 là tài liệu cổ, mô tả kỹ càng nhất về Hoàng Sa, quyển 2 có hai đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.
Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833). Nội dung về Hoàng Sa của hai cuốn sách trên có nhiều điểm tương tự như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII.
Đại Nam Thực Lục phần tiền biên, quyển 10 (soạn năm 1821, khắc in năm 1844) tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt cũng bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.Đại Nam Thực Lục Chính biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần hai và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản...
Đáng chú ý nhất là sự phát hiện của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ về sắc lệnh của triều Nguyễn được gìn giữ hơn 170 năm qua của gia đình ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là sắc chỉ quý của vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thuỷ ra đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 ( Ất Mùi – 1835 ). Hơn nữa, phát hiện của nhà nghiên cứu Phan Thuận An về tờ châu bản thời Bảo Đại càng khẳng định thêm về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam…Ngoài ra, ta còn nhiều tài liệu và bản đồ cổ nói về chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo như An Nam đại quốc họa đồ (do giám mục Taberd người Pháp vẽ năm 1838). Bản đồ Nam Việt trong sách Đại Nam thống nhất toàn đồ,…cùng nhiều tài liệu chữ Hán khác.
…Và cả sử liệu của nước ngoài
Có thể phía Trung Quốc không thuyết phục những chứng cứ của Việt Nam. Nhưng Trung Hoa không thể nào phủ nhận những chứng cứ của nước ngoài khi những sử liệu của các nước này không đứng về phía Trung Quốc mà lại nghiêng về sự thật lịch sử.
Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Còn cuốn Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels. Trong An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam. Trên tập san The journal of the Asiatic society of Bengal, Vol VI cũng đã đăng bài của giám mục Taberd, xác nhận Vua Gia Long đã thân chinh vượt biển đến Hoàng Sa vào năm 1816 và long trọng treo cờ, chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels (Hoàng Sa, Cát Vàng). Trong tờ The Journal of the Geographycal Society of London (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels( tức Hoàng Sa, Cát Vàng).
Cuốn Abrégé de géographie (tập 2) của Adriano Balbi xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris năm 1838, trang 768 nói đến vương quốc Cochinchine (Drang-trong hay Nam Annam) có các địa danh chính là Huế, Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Hội An (Faifo), Đà Nẵng (Touron hay Hansan) và quần đảo Hoàng Sa (Paracels). Quyển này được lưu trữ tại một thư viện Mỹ (Library of the American Bible Society). Cuốn A.Balbi's Allgemeine Erdbeschreibung, oder: Hausbuch des geographischen Wissens xuất bản bằng tiếng Đức năm 1842 cũng dành nhiều dòng nói về Hoàng Sa. Quyển này được lưu trữ tại Thư viện Astor, New York (Mỹ).
Có nhiều sách cổ nói về Hoàng Sa của Việt Nam đang được lưu trữ rải rác ở Ý và nhiều nước khác như cuốn La cosmografia istorica, astronomica e fisica tập 6 của Biagio Soria in tại Napoli năm 1828, phần 4. Cuốn Geografia Fisica e Politica của Luigi Galanti (tập 3) bản in lần thứ 5 tại Napoli năm 1834. Cuốn bách khoa địa lý hiện đại Geografia moderna universale (tập 3); cuốn Del vario grado d'importanza degli stati odierni của Cristoforo Negri, xuất bản tại Milano năm 1841; cuốn Storia delle Indie Orientali của Felice Ripamonti in tại Milano năm 1825;…cũng dành nhiều trang nói về lãnh thổ của nước ta đều có Hoàng Sa và Trường Sa…

Xuân Khánh, Sưu tầm và biên Soạn

P.S : Nếu bạn đọc bài này và thấy có những đoạn mình dùng tư liệu của bạn. Thì mình mong bạn thông cảm cho mình, vì nhiều lí do mà mình chưa thể nào liên lạc được để xin phép bạn. Mình làm công việc này chỉ vì niềm đam mê và hướng về dải Cát Vàng thiêng liêng của ta mà thôi. Mang tính chất của một người sưu tầm. Chân thành cảm ơn!

http://lexuantho.tk/

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]