Cộng đồng Lý Sơn

Diễn Đàn Lý Sơn chính thức mang tên LYSON.ORG
Gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất trên đảo Lý Sơn  3l0_1210

***Hãy giới thiệu đến bạn bè nhé các bạn ***

Gõ Tiếng Việt có dấu khi tham gia diễn đàn
Cộng đồng Lý Sơn

Diễn Đàn Lý Sơn chính thức mang tên LYSON.ORG
Gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất trên đảo Lý Sơn  3l0_1210

***Hãy giới thiệu đến bạn bè nhé các bạn ***

Gõ Tiếng Việt có dấu khi tham gia diễn đàn

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhduocanbinh

thanhduocanbinh
Ban ĐH
 Ban ĐH
- Người phụ nữ 85 tuổi nhỏ bé này là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ư? Những hy sinh mất mát kinh khủng kia đổ xuống đôi vai gầy này của Mẹ ư?

Gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất trên đảo Lý Sơn  Mevnah1
Mẹ Trần Thị Phẩm cùng tác giả tại Nhà thờ tộc Phạm Văn ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyên đảo Lý Sơn


“Ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chỉ duy nhất có một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là Mẹ Trần Thị Phẩm, người con dâu của tộc Phạm Văn. Dù tuổi cao (năm 2010, Mẹ 85 tuổi), Mẹ vẫn tham gia tích cực các họat động xã hội của địa phương và dòng họ, nhất là hoạt động khuyến học. Mẹ được mọi người quý trọng”. Đó là những thông tin cơ bản mà tôi có được về Mẹ trước khi đoàn đại biểu của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam chúng tôi từ Hà Nội về đảo Lý Sơn để thăm bà con đồng tộc và dự Lễ Khao lề tế lính Hoàng Sa - một Lễ hội quan trọng nhất trong năm của Đảo tổ chức vào ngày 19 - 20 tháng 2 âm lịch hàng năm, năm 2010 ngày này vào mồng 3 -4 tháng 4.


Vượt qua gần ngàn cây số trên xe khách của Công ty Hoàng Long từ Hà Nội tới Quảng Ngãi, rồi băng qua gần hai chục hải lý đường biển bằng tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ tới đảo Lý Sơn, chúng tôi vào Nhà thờ tộc Phạm Văn tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn khi buổi lễ sắp bắt đầu. Tôi dễ dàng nhận ra Mẹ, bởi tôi đã biết Mẹ qua ảnh và qua những câu chuyện của người Lý Sơn mà tôi quen biết. Tôi chào hỏi mọi người, rồi đến thẳng chỗ Mẹ đang đứng, tôi xô tới ôm chầm lấy Mẹ như con gái lâu ngày về nhà gặp Mẹ! Mẹ nhìn tôi vẻ mặt rạng rỡ, tôi nhìn Mẹ: khuôn mặt với bao nếp nhăn của thời gian cùng những nỗi nhọc nhằn và nỗi đau mất mát, nhưng vẫn còn lại nét thanh tú của một thời xuân sắc, cặp mắt vẫn sáng và tươi rói.



Mẹ cười và hỏi: “Đi xa có mệt không?”, tiếng Mẹ nhỏ nhẹ, tôi cảm thấy thân thiết như đã gặp Mẹ từ lâu lắm rồi! “Đúng là lòng Mẹ!”, tôi nghĩ và xúc động muốn khóc nhưng cố kìm nén! Tôi hỏi : “Mẹ có khỏe không ạ?”, Mẹ khẽ gật đầu, mắt vẫn nhìn tôi, tôi sẽ khắc sâu mãi trong lòng cái nhìn sâu thẳm đó của Mẹ!



Mẹ vẫn để bàn tay gầy và khô ráp trong tay tôi. Trong không khí trang nghiêm của Nhà thờ, tôi đứng cạnh Mẹ, nhìn Mẹ và suy nghĩ miên man về những điều tôi đã biết về Mẹ: Người phụ nữ 85 tuổi nhỏ bé này là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ư? Những hy sinh mất mát kinh khủng kia đổ xuống đôi vai gầy này của Mẹ ư? Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc bằng xương bằng thịt với một Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của miền Nam và đặc biệt là của vùng Khu V, nơi diễn ra chiến sự ác liệt nhất nước trong hơn hai chục năm ròng! Tôi cứ cố hình dung: không biết Mẹ thế nào khi nhận được những cái tin sét đánh về chồng con mình.



Chồng Mẹ là hậu duệ của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật thời Minh Mệnh - người đầu tiên cắm bia chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoáng Sa từ năm Bính Thân-1836, ông tên là Phạm Chánh, là cán bộ công an từ thời đầu cách mạng (1945), năm 1950 bị giặc bắt, vượt ngục ra tiếp tục hoạt động, rồi đi tập kết, lại trở về miền Nam hoạt động và hy sinh trong một trận đánh không cân sức ở chiến trường Gò Đá, huyện Đông Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tháng 5 năm 1962! Mẹ giấu con trai lúc ấy mới hơn mười tuổi đang được gửi đi học ở Đà Nẵng và gồng mình chịu đựng nỗi đau tưởng như quá sức!



Năm đó Mẹ mới 38 tuổi, Mẹ vẫn làm công tác ở địa phương. Nguồn động viên của Mẹ là công việc, xóm làng và nhất là đứa con trai chịu khó học và ngoan ngoãn. Nhưng con trai độc nhất của Mẹ sau khi học xong phổ thông, năm 1968 tròn 17 tuổi lại xin đi bộ đội, vào pháo binh để “đền nợ nước trả thù nhà”. Thế rồi, bốn năm sau, tháng 10 năm 1972, tròn 10 năm sau khi bố hy sinh, trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ném bom hủy diệt làng Sơn Quang, huyện Đông Sơn, Quảng Ngãi, con trai của Mẹ, Phạm Hồng Thiên 21 tuổi đã bị thương nặng và ngày hôm sau thì hy sinh!



Mất chồng và con, nỗi mất mát tột cùng lớn lao của người phụ nữ! Một nỗi đau vô tận tưởng như không thể gượng dậy nổi! Thế là chồng và con trai độc nhất của Mẹ, hai người “trai tráng” họ Phạm, đều đã ngã xuống ngay tại mảnh đất tỉnh nhà, huỵện Đông Sơn, vì nền độc lập tự do của đất nước!

Gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất trên đảo Lý Sơn  Mevnah2
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện đảo Lý Sơn, nơi chồng con mẹ Phẩm yên nghỉ.


Sau khi kết thúc buổi Lễ khao lề và tế lính Hoàng Sa và ngày hôm sau tôi mới có dịp thăm và chuyện trò cùng Mẹ và bà con đồng tộc trên Đảo. Mẹ đang ở trong một ngôi nhà nhỏ nhắn, gọn gàng, ấm áp - đó là một căn nhà tình nghĩa mà chính quyền địa phương xây dựng cho Mẹ từ năm 1998 sau khi Mẹ được phong Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nổi bật trong nhà Mẹ là bàn thờ trang trọng trên đó có bộ đỉnh bằng đồng màu vàng au được Mẹ chăm chút sáng loáng, Mẹ mừng lắm vì từ khi có ngôi nhà này Mẹ mới có chỗ thờ tự tổ tiên và chồng, con. Trên bàn thờ là hai tấm Bằng Tổ Quốc Ghi Công và trên tường là các Huân Huy chương của cả nhà cùng với Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng của Mẹ. Nhà Mẹ lúc nào cũng có người đến thăm, lúc thì bà con trong họ, lúc thì xóm giềng, chính quyền và các đoàn thể của địa phương luôn quan tâm chăm sóc... Đặc biệt là Lãnh đạo và các chiến sĩ ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Lý Sơn luôn luôn có mặt bên Mẹ - các anh đã nhận chăm nuôi phụng dưỡng Mẹ suốt đời.



Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn cùng Đảng Ủy, Ủy ban nhân dân xã An Vĩnh, nhân dân thôn Đông và bà con trong họ tộc đã đưa hài cốt của Liệt sĩ Phạm Chánh và Phạm Hồng Thiên từ đất liền về an táng tại nghĩa trang của huyện tại Hòn Dung, xã An Vĩnh cách nhà Mẹ không xa, Mẹ cũng thấy yên lòng và cảm thấy chồng cùng đứa con trai yêu quý đã trở về bên cạnh mình sau mấy chục năm xa cách!



Mẹ tham gia hoạt động cách mạng từ sau Cách mạng Tháng Tám, bắt đầu là làm liên lạc, giao liên rồi làm cán bộ Phụ nữ. Cho đến bây giờ mẹ vẫn tham gia tích cực mọi hoạt động của đia phương, đặc biệt là Mẹ luôn quan tâm động viên các cháu học sinh chịu khó học tập vì “muốn quê hương giàu đẹp thì phải có tri thức khoa học”, Mẹ bảo thế. Đến dự hội nghị nào của các đoàn thể địa phương, Mẹ đều nói về truyền thống cách mạng của quê hương và động viên lớp trẻ hãy cố gắng phấn đấu, cố gắng học hành để xây dựng quê hương. Mẹ nói chân tình, giản dị, chậm rãi nên được mọi người rất chú ý lắng nghe.



Mẹ luôn dành dụm chắt chiu từ những đồng tiền chính sách ít ỏi của mình để đóng góp cho các phong trào, đặc biệt là quỹ khuyến học: năm 2002 khi Quỹ khuyến học của xã An Vĩnh được thành lập, Mẹ đã ủng hộ ngay 100.000đ, năm nào Mẹ cũng ủng hộ 100.000đ-200.000đ cho Quỹ; năm 2005 Mẹ góp cho Quỹ 1.500.000đ với nét chữ run run ghi trong Sổ vàng khuyến học: “Tôi mong sao mọi người hưởng ứng để đẩy mạnh phong trào xã hội học tập”. Anh Phạm Văn Ngọc, Trưởng Ban Khuyến học của xã An Vĩnh vừa gọi điện thoại cho tôi biết: “Mấy năm nay Mẹ đã ủng hộ cho quỹ Khuyến học tới gần 3.000.000đ. Mẹ đã già như vậy, việc làm đó của Mẹ là rất cao quý, có tác dụng động viên rất tốt cho phong trào, chị ạ!”.



Mẹ đặc biệt chú ý làm những việc hợp với đạo lý xã hội, đối xử có nghĩa có tình, đóng góp xây dựng đình, chùa, nhà thờ, trường học, xây mồ mả và những công trình xã hội, Mẹ nhắc nhở mọi người và con cháu cùng làm. Mẹ chăm lo việc lễ lạt và rất chú ý đến các ngày húy ki của mọi người, nhất là của các liệt sĩ. Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ của tộc họ Phạm Văn nhắc đi nhắc lại rằng: “Dân đảo Lý Sơn ai cũng quý trọng Mẹ bởi Mẹ luôn sống rất nghĩa tình và đạo lý. Mẹ không bao giờ vắng mặt trong bất cứ một hoạt động xã hội nào”.



Mẹ vẫn sống xứng đáng với chồng con đã hy sinh, và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ...“Xưa nay những người yêu nước không vì tuổi già mà ngồi không”... Mẹ thật anh hùng cho tới cả hôm nay!



Nhân kỷ niệm 101 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và 1971 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, với bài viết này, xin dâng những bó hoa tươi thắm tới các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ và thương binh, những người đã hiến dâng những người thân của mình, hoặc một phần thân thể của mình cho sự toàn vẹn và phồn vinh của đất nước hôm nay!



Phạm Thị Thúy Lan

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]