Cộng đồng Lý Sơn

Diễn Đàn Lý Sơn chính thức mang tên LYSON.ORG
Tổ quốc nơi biển xanh 3l0_1210

***Hãy giới thiệu đến bạn bè nhé các bạn ***

Gõ Tiếng Việt có dấu khi tham gia diễn đàn
Cộng đồng Lý Sơn

Diễn Đàn Lý Sơn chính thức mang tên LYSON.ORG
Tổ quốc nơi biển xanh 3l0_1210

***Hãy giới thiệu đến bạn bè nhé các bạn ***

Gõ Tiếng Việt có dấu khi tham gia diễn đàn

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Tổ quốc nơi biển xanh Empty Tổ quốc nơi biển xanh Thu Feb 11, 2010 3:28 pm

contraixudao

contraixudao
Ban ĐH
 Ban ĐH
Cập nhật lúc 09:59, Thứ 5, 11/02/2010



Bút ký của TRẦN ĐĂNG


(QNĐT) - Chưa thấy có cột mốc nào được dựng lên giữa mờ mịt trùng khơi, nhưng ở nơi cuối tầm nhìn “trời nước gặp nhau” ấy, Tổ quốc luôn hiện lên mỗi sáng cùng với nắng mặt trời; biển xanh luôn nuôi dưỡng những cánh buồm khát gió của hàng vạn ngư dân chưa bao giờ biết vắng mặt, kể cả khi cuồng phong dậy sóng.

TIN LIÊN QUAN

Tổ quốc nơi biển xanh Images308913_khaole
Thuyền lễ linh vị, hình nhân thế mạng dùng trong lễ
Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: M.T

Trong hai năm 1951 và 1953, nhà khảo cổ học người Mỹ- Giáo sư W.G Solheim-Đại học Hawaii đã khai quật trong hang động Kalanay, đảo Masbate của Philippines và bất ngờ phát hiện ra nhiều loại gốm rất giống với các lọ chum mà nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện tại Sa Huỳnh, Việt Nam từ năm 1909. Giáo sư W.G Solheim đặt tên cho dòng gốm này là “phức hệ gốm Sa Huỳnh-Kalanay”.

Các cuộc khai quật khảo cổ tiếp theo tại quần đảo Trường Sa của các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng đã phát hiện ra nhiều đồ gốm rất giống với gốm Sa Huỳnh và Kalanay. Vậy là, có một dòng chảy mang tên “gốm” từ Sa Huỳnh xuyên biển Đông để dừng chân tại Kalanay. Những cư dân miền Trung Việt Nam từ hàng ngàn năm trước đã biết “nối mạng” với thế giới bên ngoài bằng những cánh buồm vượt trùng khơi. Trường Sa chính là điểm dừng chân của họ trong cuộc viễn du đến những chân trời mới.

Đồ gốm sứ như là cái cớ để những chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh khám phá thêm một vùng đất mới, để hiểu hơn biển xanh trước mặt họ dài rộng đến nhường nào. Và số cư dân này đã xem biển Đông như là chỗ đi-về sau những tháng ngày ruổi dong tứ xứ. Với họ, biển xanh kia đã là Tổ quốc từ thuở nào rồi. Chính họ đã cắm những chiếc cột mốc cho biên cương đất nước bằng những cánh buồm ngang dọc biển xanh.

Anh Huỳnh Thọ, quê xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi, người đã cứu sống 9 ngư dân bị “tàu lạ” tấn công trên biển Đông hồi giữa tháng 7 năm rồi, nói những điều như được chắt ra từ máu huyết lòng mình: “Chúng tôi bám biển không phải chỉ để đánh cá nuôi vợ con đâu mà là để cho người ta biết rằng, biển Đông luôn luôn có chủ”.

Anh Thọ kể, mỗi lần ra khơi, trong bụng lo “tàu lạ” thì ít mà “sướng”
thì nhiều. Hỏi vì sao sướng? Anh cười: “Khó nói lắm, chỉ biết trong người mình nó cứ rạo rực lên mỗi khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng bay lật phật trong nắng mai”.


Tổ quốc nơi biển xanh Images308919_AmLinhTu
Âm Linh tự. Ảnh: M.T
Khái niệm Tổ quốc đối với những ngư dân như Huỳnh Thọ thật giản đơn như chính cuộc đời ngư phủ của anh. Chỉ cần nghe âm thanh “lật phật” được phát ra từ lá cờ đỏ sao vàng trong nắng mai thì cũng đã thấy “sướng” rồi, vì chính lúc đó, cột mốc của biên cương Tổ quốc lại hiện lên.

Rủi ro luôn rình rập hàng triệu ngư dân Việt Nam trên biển Đông. Những tai ương ấy có khi đến từ “tàu lạ” nhưng cũng có khi đến bất ngờ từ một cơn giông trở chứng của đất trời sau nhiều ngày lặng gió. Nhưng dù có phải trực diện với những tai ương thường xuyên như thế, những lá cờ đỏ sao vàng vẫn cứ “lật phật” ra khơi cùng với những chủ nhân lưng trần rám nắng. Bởi họ hiểu rằng, cái âm thanh “lật phật” ấy ngân vang tới đâu thì biên cương lãnh hải của đất nước mình kéo dài đến đó.

Sự có mặt của những ngư phủ này trên biển Đông, nói như anh Huỳnh Thọ, không đơn thuần là để kiếm kế sinh nhai, mà còn để nói với thiên hạ rằng, những con tàu nào mà không có âm thanh “lật phật” được phát ra từ lá cờ đỏ sao vàng đều là “tàu lạ”.

Thọ nói: “Mình có hiện diện trong ngôi nhà của mình thì mình mới gọi
người ngoài là khách chớ!”. Một “chân lý” tưởng như giản đơn nhưng hàng triệu ngư dân đã phải đánh đổi biết bao nhiêu đời, qua nhiều thế hệ, phải trả giá bằng chính mạng sống của mình nữa, mới đúc rút được.

Mùa hè năm ngoái, phóng viên Phan Chiến Thắng ở Ban Quốc tế của Báo Lao Động có mặt tại đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi đúng vào lúc dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hộ chuẩn bị lễ cúng tiên linh ông bà trước khi giao “Tờ lệnh” cho Nhà nước. Suốt đêm hôm trước ngày giao “Tờ lệnh”, những người đàn bà ở thôn Đồng Hộ gần như thức trắng để làm những loại bánh mà với một người bình thường lần đầu đặt chân lên đất đảo như Thắng sẽ không thể lý giải được.

Những loại thức ăn bày trên mâm cỗ đã đưa chàng trai Hà Nội trẻ tuổi ấy đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Sao trên mâm cỗ lại có bánh ít lá gai? Có cả bán thuẫn, bánh nổ và nhiều thứ bánh khác mà chỉ ở đảo Lý Sơn mới có?

Bà vợ ông Đặng Lên- tộc trưởng họ Đặng vỡ vạc cho anh nhà báo trẻ: “Toàn bộ các loại bánh này đều phục vụ cho lính đi Hoàng Sa đấy cháu. Ngày xưa, những người mẹ, người bà trên hòn đảo này cũng đã từng làm những
loại bánh ấy thay cho lương khô, để có thể giữ được lâu ngày trên biển
mà không bị hỏng. Lâu rồi, người dân trên đảo đã không còn mặn mà với các loại bánh dân dã ấy nữa nhưng nó luôn được bảo tồn để không bao giờ thiếu trên mâm cỗ mỗi khi giỗ lính Hoàng Sa trong mỗi tộc họ ở đảo Lý Sơn này”.

Các cuộc giong buồm ra Hoàng Sa của những chàng Kinh Kha “một đi không trở lại” nơi đảo Lý Sơn đã chấm dứt lâu rồi. Hẳn những người đàn bà trên đất đảo hôm nay không hề có chút ký ức nào trong những lần tiễn con “ra trận” từ hàng trăm năm trước, song như một sự tiếp biến vô hình từ máu huyết, họ vẫn không quên chế biến các loại lương khô từng được những người lính đi Hoàng Sa mang theo mỗi khi nhận lệnh lên đường.

Tổ quốc đã lặn vào trong những loại lương khô, bất chấp lớp bụi thời gian cùng những biến thiên của lịch sử đã phủ lên mình nó. Đó là một thứ cột mốc biên cương không dễ gì xô ngã vì nó đã cắm rễ sâu bền vào lòng người.



Tổ quốc nơi biển xanh Images308923_Toquoc2
Lễ khao lề trước Âm Linh tự


Tổ quốc nơi biển xanh Images308650_Toquoc3
Thổi tù và trong Lễ khao lề

Nghe bà Lên giải thích, chúng tôi bỗng hiểu vì sao hiện nay mỗi lần tàu cá của Lý Sơn trực chỉ vùng biển Hoàng Sa là một lần phải đối mặt với tai ương nhưng chưa bao giờ ngư dân của hòn đảo này chùn bước cả. Là bởi, biển xanh nơi ấy từng là máu thịt, là một phần của Tổ quốc thiêng liêng mà cha ông họ đã trả giá bằng mạng sống của mình qua nhiều đời để chắt chiu gìn giữ.

Nghe bà Lên giải thích thế, chúng tôi càng hiểu hơn vì sao suốt 176 năm qua, cùng với cả dân tộc, dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hộ ấy đã gánh lên vai những gánh nặng của mấy cuộc chiến tranh giữ nước, đã phải gồng mình qua bao đói nghèo cơ cực mà “Tờ lệnh” ấy vẫn còn nguyên nếp gấp, vẫn còn long lanh màu mực, như thể cha ông mình mới vừa đặt bút xuống viết hôm qua. Từ trong sâu thẳm lòng mình, họ Đặng đã ý thức được rằng, giữ “Tờ lệnh” không chỉ là giữ một kỷ vật của “nếp nhà” luôn có truyền thống tiễn con ra trận nơi Hoàng Sa mà còn là giữ một chứng nhân cho sự tồn vong của Tổ quốc nữa.

Cầm “Tờ lệnh” trên tay, họ Đặng có quyền hét thật to: “Bằng chứng đây!”,một khi ai đó muốn chúng ta trưng ra bằng chứng về chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa. Nếu không phải đất đai của cha ông chúng ta nơi Hoàng Sa thì ra ngoài ấy làm gì mà có “Tờ lệnh”?

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Quảng Ngãi thông báo một tin sốt dẻo: “Tỉnh đã có tờ trình lên Bộ Văn hóa đề nghị được công nhận “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” thành lễ hội cấp quốc gia”. Không rõ khi lễ này được nâng cấp như thế thì hình thức và quy mô của nó sẽ như thế nào? Vì thực ra, dù có là cấp quốc gia hay chỉ là “cấp đảo” thì mấy trăm năm qua, người Lý Sơn vẫn duy trì lễ ấy như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của họ. Cũng như cây dâu trên đảo Lý Sơn vẫn tồn tại như một lẽ đương nhiên dù chức năng của nó ở hòn đảo này không phải là để lấy lá nuôi tằm.

Cũng như mộ gió vẫn cứ song hành với hai vạn dân trên đảo dù quỹ đất của Lý Sơn ngày một ít đi mà bên dưới lớp cỏ xanh rì của những hàng hàng mộ gió kia chỉ là một nắm đất sét mang tính ước lệ cho thân xác của những người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải của Tổ quốc.

Nhưng dù sao, khi Lễ khao lề được coi như một lễ hội của quốc gia thì mặc nhiên chúng ta đã gửi cho những người đang sống hôm nay và cả hậu thế trên toàn cõi đất nước một thông điệp về chủ quyền bất di bất dịch nơi Hoàng Sa, dẫu nơi biển xanh xa mờ ấy đang nằm trong tay kẻ khác.



Tổ quốc nơi biển xanh Images308619_mogio
Mộ gió Lý Sơn. Ảnh: T.L
Ông Nguyễn Văn Toại, truyền nhân của nhiều đời dòng họ Nguyễn trên đảo Lý Sơn chuyên làm hình nhân cho các ngôi mộ gió, nói như một lời khẳng quyết: “Con em Lý Sơn không còn có điều kiện để giong buồm ra Hoàng Sa như cha ông họ từ mấy trăm năm trước nữa, song quần đảo ấy vẫn luôn thức ngủ trong lòng mỗi người dân trên đảo. Tôi có thể “thất nghiệp” với “nghề” của mình, song không thể nào gạch xóa trong tôi những địa danh thân yêu như đảo Hữu Nhật, đảo Quang Ảnh, Hoàng Sa Tự- những cái tên lưu dấu sự có mặt của những công dân Lý Sơn nơi quần đảo ấy từ mấy trăm năm trước. Cần gieo vào lòng con cháu chúng ta những “mầm sống” ấy để chúng biết rằng, ở phía biển xanh mờ kia
vẫn còn một góc trời của Tổ quốc thân yêu”.

Ông Toại năm nay đã ngoài bảy mươi, ký ức nơi ông không hề lưu giữ một hình bóng nào về những cuộc đi Hoàng Sa của cha ông từ hàng trăm năm trước, song ông vẫn thuộc nằm lòng về hành trang của họ mỗi khi nhận được “Tờ lệnh” để lên đường. Này là tấm thẻ bài khắc tên người lính, này là bảy sợi dây mây, này là hai đòn tre, này đôi chiếu mới… Tất cả những “hành trang” không báo hiệu một điềm lành nào ấy sẽ thành huyệt mộ của những người lính đi Hoàng Sa chẳng may hy sinh trên biển.

Nghe ông Toại kể về hành trang người lính thuở ấy cùng chức năng của mỗi loại dụng cụ mà họ mang theo đủ để hình dung ra một bức tranh nhuốn màu bi hùng qua mỗi cuộc ra đi. Khi hy sinh, những người lính sẽ được đồng đội bó xác lại và thả xuống biển với hy vọng, khi trôi giạt vào bờ thì người dân sẽ biết được tên tuổi bản quán qua tấm thẻ bài.

Thực tế thì hầu như không một người lính nào còn tìm được xác. Họ đã
nhập vào lòng biển xanh và hóa thân thành những cột mốc biên cương cho Tổ quốc. Đó là thứ cột mốc mà không một thế lực hắc ám nào có thể gạch xóa được. Những cột-mốc-tượng-đài bất tử trong lòng dân.

Sau cơn bão, những cánh buồm khát gió lại trực chỉ phía trùng khơi xanh thẳm. Tổ quốc lại hiện lên sau mỗi cánh buồm./



http://baoquangngai.com.vn/channel/2026/201002/To-quoc-noi-bien-xanh-1928730/

http://www.pohand.com.vn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]