Cộng đồng Lý Sơn

Diễn Đàn Lý Sơn chính thức mang tên LYSON.ORG
 Đặc sắc văn hóa ở Lý Sơn  3l0_1210

***Hãy giới thiệu đến bạn bè nhé các bạn ***

Gõ Tiếng Việt có dấu khi tham gia diễn đàn
Cộng đồng Lý Sơn

Diễn Đàn Lý Sơn chính thức mang tên LYSON.ORG
 Đặc sắc văn hóa ở Lý Sơn  3l0_1210

***Hãy giới thiệu đến bạn bè nhé các bạn ***

Gõ Tiếng Việt có dấu khi tham gia diễn đàn

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1 Đặc sắc văn hóa ở Lý Sơn  Empty Đặc sắc văn hóa ở Lý Sơn Thu Jan 13, 2011 4:18 pm

milu_bibi2006

milu_bibi2006
Ban ĐH
 Ban ĐH
"Từ thuở cha ông đi mở nước/ Lãnh hải biển Ðông có chủ quyền/ Trời Nam nước Việt ta còn đó/ Trang sử còn ghi dạ anh hùng/ Quê hương Quảng Ngãi kiên cường/ Nam nhi vì Tổ quốc liều thân quên mình/ Công đức dựng xây miền đảo Lý/ Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa...". Theo câu hát bài chòi réo rắt của vùng đất Quảng, chúng tôi ra với Lý Sơn khi đất trời đang hối hả vào xuân.
 Đặc sắc văn hóa ở Lý Sơn  3302526398
Tượng đài trên đảo Lý Sơn.

Huyện đảo Lý Sơn có ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình nằm trên hai hòn đảo nhỏ là đảo Lớn và đảo Bé, tổng diện tích gần 10 km vuông. Theo sử liệu, đến cuối thế kỷ 16, Lý Sơn vẫn còn hoang vu. Năm 1604, đời vua Lê Kính Tông mới có người từ đất liền đến khai phá. Chung quanh tứ bề biển cả mênh mông, xa cách đất liền. Thế nhưng sản vật biển nơi đây lại vô cùng phong phú, cho nên các gia đình đầu tiên đã an cư. Ngày càng có thêm nhiều hộ dân khác chọn đảo làm nơi sinh sống. Cho đến nay, dân số trên đảo đã lên tới hơn hai mươi nghìn người. Nghề chính là nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Giống hành tía và tỏi Lý Sơn được trồng trên cát trắng đã tạo được thương hiệu trên cả nước.
Ðứng nơi cửa biển Sa Kỳ tấp nập tàu thuyền, phóng tầm mắt nhìn ra xa, có cảm giác như trước mắt mình là một bãi cát vàng chạy dài lấp lánh trên đầu ngọn sóng. Dấu cát vàng đưa tâm trí chúng tôi ngược dòng thời gian bốn thế kỷ trước, mỗi năm lại có những chuyến tàu của triều đình thẳng hướng tới đảo Lý Sơn để tuyển chọn binh phu ra Hoàng Sa. Suốt gần bốn thế kỷ, cứ mỗi năm lại có 70 suất đinh của các dòng họ trên đảo luân phiên nhau vâng mệnh triều đình đo đạc thủy trình, khai thác tài nguyên biển và sau này thêm nhiệm vụ cắm mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ Phạm Thoại Tuyền - hậu duệ đời thứ bẩy của Thủy quân Chánh suất đội nổi tiếng Phạm Hữu Nhật, một trong những vị chánh cai đội nổi tiếng trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đưa chúng tôi đi xem khu lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa vừa được khánh thành vào dịp lễ khao lề thế lính năm 2010. Ngay giữa khuôn viên nhà trưng bày là cụm tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa làm bằng chất liệu đá xanh lấy từ tỉnh Ninh Bình, khắc họa tượng vị cai đội trưởng một tay cầm giáo, một tay đặt trên cột mốc chủ quyền có dòng chữ 'Vạn Lý Hoàng Sa'. Bên cạnh ông là hình ảnh các binh phu hùng tráng đang dõi mắt về phía biển. Sau lưng tượng đài khắc dòng chữ 'Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu' tạm dịch là: Quần đảo Hoàng Sa là nơi cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới lãnh hải quốc gia. Bốn chữ 'Vạn Lý Hoàng Sa' - muôn dặm cát vàng hay 'Vạn Lý Ba Bình' - muôn dặm sóng êm là những tấm bia được khắc từ thời nhà Nguyễn vừa có ý nghĩa khẳng định chủ quyền Tổ quốc, đồng thời cũng thể hiện mong ước của đội quân làm nhiệm vụ thiêng liêng mở mang bờ cõi, chinh phục dải đất xa nhất ngoài biển khơi, thực hiện hải trình sóng yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió.

Ðể tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa bỏ mình nơi biển cả, để những người chuẩn bị lên đường yên tâm làm nhiệm vụ, và với niềm mong ước người thân ra đi có ngày trở về, hằng năm, vào khoảng giữa tháng hai âm lịch, các tộc họ trên đảo Lý Sơn lại tổ chức lễ khao lề tế lính (cũng gọi là lễ khao lề thế lính). Tế lính để cúng cho những anh linh vong thân vì Tổ quốc được nhẹ nhàng siêu thoát; thế lính là dùng hình nhân thế mạng cúng thần linh thay thế sinh mạng người lính Hoàng Sa sắp lên đường. Lễ khao lề thế lính là một lễ hội độc đáo, chỉ Lý Sơn mới có và duy trì từ xa xưa cho tới ngày nay. Ðồ cúng lễ trong lễ khao lề thế lính có thuyền lễ làm bằng tre, giấy ngũ sắc, có đủ buồm, cờ như thuyền buồm dùng để đi Hoàng Sa, trên thuyền đặt những hình nộm làm bằng bột gạo tượng trưng cho cai đội và binh phu. Trong lễ khao lề thế lính truyền thống, chủ bái khi hành lễ là tộc trưởng, bồi tế là trưởng các chi. Những thanh niên trai tráng sắp lên đường ra Hoàng Sa sẽ đứng hầu thần suốt thời gian tế lễ. Khởi đầu là nghi thức khấn mời anh linh của những cai đội và binh phu Hoàng Sa về minh chứng và phù hộ cho con cháu. Giữ vai trò điều hành lễ tế, thầy pháp trong trang phục mũ tam sơn, khăn ấn, áo dài. Những gia đình có người thân làm nhiệm vụ đi lính Hoàng Sa tin rằng thầy pháp có mối liên hệ với thần linh, có thể phù phép gửi linh hồn người sống vào hình nhân, để hình nhân gánh chịu mọi tai ương cho người sống. Những ai lên đường làm nhiệm vụ sẽ cảm thấy an tâm vì đã được hình nhân thế mạng.

Tuy còn mang nặng niềm tin vào thần thánh siêu nhiên, song lễ khao lề thế lính mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện nguyện cầu, mong cho người lính Hoàng Sa được bình yên trong suốt sáu tháng trời lênh đênh trên biển với bao hiểm nguy chờ đón. Nghi thức khao lề thế lính là sự tưởng nhớ và biết ơn đến những người thân trong gia đình dòng họ đã phải vì đất nước, vì lệnh vua, mà hy sinh, bỏ thân nơi biển cả. Kết thúc buổi lễ là nghi thức tiễn đưa. Ði đầu là những thanh niên mang cờ, phướn. Tiếp theo là thành viên các tộc họ khiêng thuyền lễ ra phía bờ biển để thả những chiếc thuyền có hình nhân đã được làm phép thế mạng xuống biển. 'Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi'. Câu ca dao thủa nào vẫn vang trong tâm trí những người dân trên đảo. Ra đi biết khó có ngày trở lại. Nhưng những người lính hải đội Hoàng Sa thời kỳ đầu và đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa sau này vẫn bền gan quyết chí lên đường, thề quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển cả mênh mông.

Theo lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn, mùa xuân năm nay, lễ khao lề thế lính sẽ được tổ chức hết sức trọng thể. Bên cạnh đó, đề án xây dựng huyện đảo Lý Sơn thành đảo du lịch gắn với an ninh quốc phòng do UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì đang được xúc tiến mạnh mẽ, dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, từ đó hình thành các tuyến du lịch văn hóa trên cơ sở tham quan các di tích lịch sử văn hóa với các điểm du lịch tự nhiên, du lịch tâm linh, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực...

Rời Lý Sơn khi mưa xuân nhẹ bay, hình ảnh còn đọng lại mãi trong tâm trí người đi là tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa hiên ngang, sừng sững, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bám biển, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

NHẬT PHONG - THANH TÙNG
theo nguồn báo Nhân Dân

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết